Ngoài thực phẩm, đây là các loại thuốc cần thiết khi đi cứu trợ ở vùng lũ lụt

Thuốc là một trong những thứ thiết yếu cần có để đề phòng tình huống cấp bách khi phải đối mặt với tình trạng ngập lụt.

Các loại thuốc cần thiết khi đi cứu trợ ở vùng lũ lụt

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế chia sẻ trên báo điện tử Dân trí, trong mù lũ lụt, người dân cần ưu tiên bảo vệ tính mạng trước, sau đó mới tính đến chuyện ăn uống và cuối cùng là bảo vệ tài sản.

Về các đoàn cứu hộ, chuyên gia cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất là bạn phải an toàn trước thì mới cứu được người khác bởi nếu không may gặp tình huống xấu, người đi cứu hộ có thể tự biến mình thành nạn nhân. Cần đi theo sự điều phối, giám sát của chính quyền, cảnh sát giao thông khu vực; không tự ý di chuyển đến khu dân cư, nhất là khi địa hình ở miền Bắc phức tạo, nhiều dốc đứng.

Ngoài các loại thực phẩm và nước sạch, nên mang theo các loại thuốc cơ bản như thuốc tiêu chảy, thuốc trị cảm.

Những người có bệnh phải dùng thuốc điều trị hằng ngày thì phải mang theo, tích trữ thêm thuốc để dùng.

Đối với phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở, nên chủ động phòng tránh rủi ro lúc chuyển dạ; có thể chủ động đến bệnh viện để dưỡng thai, nhờ sự hỗ trợ từ đội ngũ y bác sĩ.

Ngoài thực phẩm, thuốc cũng là thứ vô cùng quan trọng đối với người dân vùng ngập lụt và những người đi cứu trợ.

Ngoài thực phẩm, thuốc cũng là thứ vô cùng quan trọng đối với người dân vùng ngập lụt và những người đi cứu trợ.

Theo bài viết của bác sĩ Bùi Mai Hương trên báo Sức khỏe & Đời sống, loại thuốc đầu tiên cần có là thuốc giảm đau, hạ sốt, loại thông dụng nhất là paracetamol. Thuốc này có thể dùng khi sốt trên 38,5 độ C, khi dùng khăn ấm đắp lên trán, bẹn, nách mà không đỡ. Sau 6 giờ, nếu sốt cao trở lại thì uống tiếp một liều.

Ngoài ra, trong mùa mưa lũ, bệnh tiêu chảy là bệnh thường gặp. Vì vậy, nên chuẩn bị một số thuốc liên quan đến bệnh này như smectite intergrade. Nếu không có smectite intergrade, có thể dùng sirô trimebutine maleate. Nên dùng thuốc xa bữa ăn. Sau khi hết tiêu chảy, người bệnh có thể bị táo bón. Do đó, cần phải ngưng thuốc ngay khi hết tiêu chảy.

Bên cạnh đó, cần có thêm oresol để bù nước và điện giải. Chuẩn bị thêm một số loại thuốc ho thông dụng .

Trong tình trạng ngập lụt, các loại bệnh ngoài da cũng thường xuyên xảy ra. Do đó, nên chuẩn bị một số thuốc để chữa bệnh nước ăn chân do vi nấm gây ra như clopheniramin hoặc thuốc trị nấm ngoài da như ASA (thuốc bôi ngoài da) hoặc có thể dùng lá trầu tươi, lá rau răm (vò nát, đắp lên chỗ ngứa).

Do tiếp xúc với nguồn nước bẩn nên người dân cũng rất dễ bị các bệnh về mắt như đau mắt đỏ. Nên chuẩn bị thêm một số thuốc nhỏ mắt như nước muối sinh lý, cloramphenicol 1%o, hoặc tobrex 0,4%, hoặc tobrin 0,4%.

Cần bảo quản thuốc trong túi nilon buộc kín, để trên cao để tránh ẩm mốc, hỏng thuốc hoặc tránh mưa lũ cuốn trôi.

Phải lưu ý rằng việc dùng thuốc chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh trong thời điểm chưa thể đến các cơ sở y tế để khám chữa. Sau khi nước rút, nếu bệnh chưa khỏi, người dân cần đi khám càng sớm càng tốt.

Một số nhu yếu phẩm cần thiết khác cho bà con vùng lũ

Về thực phẩm, nước sạch là thứ vô cùng quan trọng trong giai đoạn ngập lụt do đa số nguồn nước sinh hoạt đều bị nhiễm bẩn. Tình trạng ngập nước dẫn tới việc cắt điện, thiếu phương tiện để nấu nướng nên các thực phẩm như bánh ngọt, lương khô, sữa, bánh mì, thịt hộp, hoa quả như chuối... sẽ phù hợp trong tình huống cấp bách.

Ngoài các loại thuốc cơ bản như đã nêu ở trên, người dân ở vùng lũ lụt cũng cần đến các sản phẩm vệ sinh như xà phòng tắm, xà phòng giặt, dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh, tã, bỉm...

Về trang phục, có thể chuẩn bị ủng để chân không ngâm nước; quần áo khô cho người lớn và trẻ nhỏ; chăn màn.

Về đổ bảo hộ, có thể chuẩn bị áo phao, đèn pin, xuồng.

Link nội dung: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/ngoai-thuc-pham-day-la-cac-loai-thuoc-can-thiet-khi-di-cuu-tro-o-vung-lu-lut-849020.html