Ứng dụng IoT, sinh viên FPT xây hệ thống giúp trẻ không bị bỏ quên trên xe đưa đón

Nhằm nâng cao an toàn cho công tác đưa đón học sinh, nhóm SV Trường ĐH FPT đã thiết kế một ứng dụng có thể kết nối giữa nhàtrường - lái xe - phụ huynh, với khả năng định vị xe trên từng cây số.

Hệ thống còn hỗ trợ giáo viên điểm danh học sinh nhanh chóng và chính xác thông qua đọc thẻ RFID/NFC/vân tay, gửi thông báo ngay cho phụ huynh khi con em mình lên/xuống xe bus.

Hệ thống điểm danh học sinh tiểu học trên xe buýt, giám sát hành trình và thông báo tới giáo viên/phụ huynh nói trên là đồ án tốt nghiệp của nhóm 3 sinh viên K16 Trường ĐH FPT Hà Nội, gồm: Lưu Minh Hương, Vũ Duy Hanh và Mai Văn Tùng. Đều theo học chuyên ngành Internet of Things (IoT) nên nhóm sinh viên luôn ấp ủ dự định phát triển một sản phẩm ứng dụng các công nghệ tiên tiến, có giá trị thiết thực cho cộng đồng.

“Trước thực trạng bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón dẫn đến những tai nạn đau lòng, nhóm nảy ra ý tưởng xây dựng một hệ thống IoT giúp kết nối nhà trường - phụ huynh để theo dõi học sinh tiểu học trên xe buýt. Hệ thống này bao gồm một thiết bị cứng với thiết kế nhỏ gọn cầm tay, một ứng dụng di động với những tính năng hữu ích. Sau 3 tháng triển khai và hoàn thiện, ứng dụng của hệ thống hiện đã được phát hành trên CH Play, cả app và thiết bị phần cứng đều có thể ứng dụng ngay trong đời sống. Đặc biệt, nghiên cứu của dự án đã được chấp nhận công bố tại hội nghị quốc tế CDVE 2024 (xếp hạng Q2)”, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.

anh1-Bai 125 TS FPTU 2024

Nhóm 3 sinh viên Trường ĐH FPT tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

anh2-Bai 125 TS FPTU 2024

Giao diện ứng dụng được nhóm sinh viên thiết kế dành cho người dùng là giáo viên.

anh3-Bai 125 TS FPTU 2024

Cấu tạo thiết bị do nhóm sinh viên thiết kế.

So với những sản phẩm tương tự đã có trên thị trường, điểm khác biệt ở ứng dụng "made-by-sinh viên FPT" đó là việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: hỗ trợ đọc thẻ RFID/NFC và vân tay, khả năng tích hợp với các hệ thống quản lý khác trong trường học cũng như các thiết bị IoT khác. Ứng dụng di động được nhóm sinh viên thiết kế đơn giản, dễ dàng sử dụng cho cả giáo viên và phụ huynh. Qua đó, thầy cô có thể điểm danh nhanh chóng và chính xác từng học sinh, phụ huynh được nhận thông tin về hành trình di chuyển cũng như thời điểm con em họ lên/xuống xe bus.

“Người dùng có thể linh hoạt sử dụng thiết bị phần cứng ở mọi lúc mọi nơi, thay vì lắp đặt một thiết bị điểm danh cố định trên xe đưa đón. Giải pháp này được chúng mình tính toán dựa trên cơ sở thực tiễn, do các trường học hiện nay thường thuê xe bus của bên thứ ba. Các chuyến xe hàng ngày sẽ thay đổi luân phiên nên việc lắp thiết bị giám sát cố định sẽ không tối ưu bằng việc sử dụng một thiết bị phần cứng di động”, sinh viên Minh Hương cho biết.

anh4-Bai 125 TS FPTU 2024

Mô phỏng tính năng điểm danh trên ứng dụng.

Chỉ với 3 thành viên chủ chốt nhưng đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn, nhóm sinh viên đã phải phân chia nhiệm vụ và phối hợp nhuần nhuyễn với cường độ cao. Tùng sẽ phụ trách chính về thiết bị phần cứng, Hanh đảm nhiệm cloud và database, còn Hương thiên về ứng dụng di động. Các đầu việc khác như làm báo cáo và viết bài đăng tạp chí quốc tế thì cả nhóm sẽ cùng nhau thực hiện và chỉnh sửa.

“Trong suốt quá trình làm đồ án, cả nhóm luôn duy trì họp hàng tuần để cập nhật tiến độ công việc của từng thành viên, đồng thời góp ý hoặc đưa ra các phương hướng giải quyết khi gặp khó khăn. Thách thức lớn nhất với chúng mình đó là việc đi khảo sát thực tế, phân tích dữ liệu để đưa ra một giải pháp chung phù hợp cho các trường học. Ngoài ra, sản phẩm của nhóm cũng ứng dụng các công nghệ mới nên mỗi thành viên đều phải nỗ lực học hỏi, nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, xin tư vấn từ các doanh nghiệp để có thêm góc nhìn khách quan cho sản phẩm”, nhóm sinh viên bộc bạch.

anh5-Bai 125 TS FPTU 2024

Nhóm sinh viên demo sản phẩm tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Với sự đầu tư nghiêm túc cùng những nỗ lực sáng tạo, đồ án của nhóm sinh viên đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ Hội đồng chuyên môn trong buổi bảo vệ tốt nghiệp tại Trường ĐH FPT Hà Nội vừa qua. “Nhóm rất vui khi hội đồng đã đánh giá cao về khối lượng công việc cũng như chất lượng sản phẩm mà nhóm đã thực hiện. Thầy cô cũng đưa ra nhiều góp ý giúp chúng mình hoàn thiện ứng dụng tốt hơn, tăng khả năng thương mại hóa. Hiện tại, nhóm vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa và tối ưu hóa các chi phí để có thể "trình làng" một ứng dụng thiết thực với giá thành hợp lý nhất cho người dùng. Mục tiêu cuối cùng là hệ thống này có thể được sử dụng rộng rãi tại các trường học”, nhóm sinh viên chia sẻ.

Để học tập trong môi trường nhiều cơ hội rèn luyện với các dự án thực tế và làm ra nhiều sản phẩm hữu ích cho cuộc sống như Trường Đại học FPT, thí sinh nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để trở thành sinh viên chính thức của Trường ĐH FPT nhé.

thuongnt

Link nội dung: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/ung-dung-iot-sinh-vien-fpt-xay-he-thong-giup-tre-khong-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-842324.html