Rằm tháng 7 lễ Vu Lan, tại sao lại cài hoa hồng trên ngực áo? Những bông hồng vàng, trắng, đỏ khác gì nhau?

Trong dịp tháng 7 lễ Vu Lan diễn ra tại các nhà chùa, Phật tử được cài lên ngực áo những bông hoa hồng với màu sắc khác nhau, điều đó thể hiện ý nghĩa rất thiêng liêng.

Ý nghĩa của lễ Vu Lan và hoa hồng trên ngực áo

Rằm tháng 7 trong dân gian được xem là ngày xá tội vong nhân còn trong đạo Phật thì đó là ngày lễ Vu Lan. Vu Lan là ngày lễ về lòng hiếu thuận, đề cao sự hiếu thuận và công sinh dưỡng của cha mẹ. Đây là ngày lễ mà mọi Phật tử hướng về cha mẹ mình, thực hiện tâm nguyện và khắc ghi báo hiếu cha mẹ. 

Ngày lễ có nguồn gốc từ câu chuyện Mục Kiền Liền, đệ tử của Phật Thích ca cứu mẹ. Mục Kiền Liền là đệ tử của Đức Phật. Sau khi chứng ngộ, Mục Kiền Liên đã tìm thấy mẹ mình ở địa ngục. Thương mẹ, ông dâng mẹ bát cơm nhưng mẹ ông dùng tay che lại để tránh bị ngạ quỷ tranh cướp còn một tay bốc ăn. Nhưng tiếc thay bát cơm hóa thành lửa nên mẹ ông không thọ thực được. Đại đức Mục Kiền Liên thương mẹ nên đã bạch Đức Phật. Phật mới nói rằng: “Mục Kiền Liên, lúc sinh tiền mẹ ông đã hủy báng Phật pháp, mắng chư Tăng, không tin nhân quả luân hồi, lại rất bỏn xẻn, chẳng bao giờ bố thí cho ai, kể cả bố thí cho con kiến hạt gạo. Vì thế, sau khi chết bà phải chịu quả báo như thế. Ông tuy là con người hiếu đạo, thương mẹ, muốn đền đáp thâm ân, nhưng sức của ông có hạn. Dù có đạo hạnh cao, một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực cho mẹ. Ông hãy đợi đến rằm tháng bảy, ngày chư tăng mãn hạ, thiết lễ Vu Lan nhờ sức chư tăng cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát khỏi được cảnh địa ngục”.

Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ tích Mục Kiền Liên cứu mẹ

Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ tích Mục Kiền Liên cứu mẹ

Nghe theo Phật dạy, đại đức Mục Kiền Liên đợi rằm tháng 7 sắm lễ cúng chư tăng cứu mẹ và nhiều người thoát khỏi địa ngục. Từ đó ngày rằm tháng 7 trong đạo Phật là ngày lễ Vu Lan.

Từ những năm 1072 ở Việt Nam, vua Lý đã từng thiết trai đàn cầu siêu cho mẹ. Sau này trong biến động thời gian, nhiều địa phương cúng xá tội vong nhân nhiều hơn. Những năm gần đây, lễ Vu Lan được biết tới rộng rãi hơn. 

Những bông hồng cài trên áo trong mùa Vu Lan là để tưởng nhớ những người mẹ đã khuất và vinh danh những người mẹ còn tại thế với con cháu. Vì công sinh dưỡng của cha mẹ đều thiêng liêng nên ý nghĩa của những bông hoa hồng cài áo không chỉ tưởng nhớ tới mẹ mà còn tới cha. Thế nên thay vì lúc đầu chỉ có 3 màu vàng, trắng, đỏ thì nay có 4 màu là vàng, trắng, đỏ, hồng.

Những người xuất gia cài hoa vàng, người còn cha mẹ thì cài màu hoa đỏ, người mất cha hoặc mất mẹ thì dùng màu hồng, người đã mất cả cha mẹ thì cài hoa màu trắng. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được cho là người khởi xương nghi thức bông hồng cài áo ở Việt Nam

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được cho là người khởi xương nghi thức bông hồng cài áo ở Việt Nam

Nghi thức hoa hồng cài áo xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1960 do thiền sư Thích Nhất Hạnh đề xuất. Sau chuyến thăm Nhật Bản, thấy ở nước bạn có nghi thức cài hoa cẩm chướng, thiền sư đã chuyển hóa thành biểu tượng hoa hồng ở Việt Nam. Hoa hồng biểu tương cho tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Cài hoa hồng lên ngực áo thể hiện nghi thức thiêng liêng tưởng nhớ cha mẹ mình. Hoa hồng cũng là loại hoa phổ biến ở khắp mọi nơi trên toàn đất nước.

Ý nghĩa các màu hoa hồng khác nhau trong mùa Vu Lan

Hoa hồng vàng:Hoa hồng vàng chỉ cài lên ngực áo của những người xuất gia. Màu vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát. Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác. Những người xuất gia cài hoa màu vàng thể hiện họ còn có cha mẹ khác ngoài cha mẹ sinh ra thân tứ đại. Màu vàng biểu trưng cho sự giác ngộ, buông bỏ.

Mỗi màu hoa hồng mang một ý nghĩa khác nhau

Mỗi màu hoa hồng mang một ý nghĩa khác nhau

Hoa hồng đỏ: Những người còn cả cha và mẹ sẽ được cài hoa hồng đỏ, như lời nhắc nhở cha mẹ còn ở với chúng ta ở cõi trần này là một niềm may mắn lớn lao như màu đỏ của hoa hồng chưa bao giờ phai nhạt. Phúc thay cho ai còn cha mẹ, còn được ở bên cha mẹ, còn được chăm sóc cha mẹ. Hoa hồng đỏ chưa nhạt đi chút nào là tình thương bao la của cha mẹ và tình cảm gia đình. 

Hoa hồng màu hồng: Những ai chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài hoa màu hồng, tức là tình thiêng liêng của cha mẹ đã nhạt đi như bông hồng đỏ đã phai màu thành hoa hồng. Những bông hoa màu hồng nhạt thường tượng trưng cho sự mềm mại, tinh tế và lòng trắc ẩn. Màu sắc này thể hiện sự tôn trọng và sự nhớ thương đối với người cha hoặc mẹ đã ra đi.

Hoa hồng trắng: Cho những ai đã không may mất cả cha mẹ. Hoa hồng trắng biểu trưng cho sự tưởng nhớ cha mẹ đã khuất của mình.

Mùa Vu Lan, nhìn màu hoa trên ngực áo người ta biết ai còn cả cha mẹ hay đã khuyết đi tình thương cha mẹ. Mùa Vu Lan này, trên ngực bạn được cài bông hoa hồng màu gì?

Link nội dung: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/ram-thang-7-le-vu-lan-tai-sao-lai-cai-hoa-hong-tren-nguc-ao-nhung-bong-hong-vang-trang-do-khac-gi-nhau-842165.html