Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao thành tích phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Đó là sự quyết đoán của Chính phủ, truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc đã thể hiện rất rõ, lan tỏa khắp cả nước, trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc vượt qua khó khăn thử thách. Trong đó có sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ cả nước, những chiến sĩ trên mặt trận văn học nghệ thuật đã sáng tác, quảng bá nhiều tác phẩm, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng, truyền tải thông điệp nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, và niềm tin quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Thời báo Văn học Nghệ thuật có cuộc phỏng vấn ngắn với PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và một số nhạc sĩ.
PV: Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, ông đánh giá như thế nào về vai trò xung kích của âm nhạc cổ vũ tinh thần lực lượng phòng chống dịch Covid-19?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Thời nào cũng vậy âm nhạc với sức mạnh lan tỏa nhanh nhạy và sâu rộng trong công chúng luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường của cách mạng. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nước ta và ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, giới văn nghệ sĩ cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, đã có nhiều sáng tác mới để chia sẻ động viên kịp thời quân và dân ta trên mặt trận chống dịch. Từ tháng 4 năm 2020 Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng chống Covid-19 và đã thu được trên 200 ca khúc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kịp thời tuyển chọn 100 ca khúc chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin” và sau đó đã xây dựng một chương trình nghệ thuật trực tuyến với tên gọi “Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng”. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng, đặc biệt là có tiếng vang trong xã hội.
Từ đầu năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan tràn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách về phòng chống Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Đến cuối tháng 8 năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được gần 600 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Đây là một con số rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ quyết tâm đối với công cuộc chống dịch. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cùng với Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn, dàn dựng thu âm, thu hình, dựng thành clip với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, và các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương, Lê Anh Dũng, Viết Danh, Đăng Thuật, Đào Tố Loan, Thanh Trà, Thu Thủy, Bùi Trang… kịp thời ra mắt những ca khúc mới, chia sẻ những giá trị tinh thần tới đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, người dân trong vùng dịch, đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
PV: Thưa nhạc sĩ, Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đây là một chủ trương rất kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng tới người lao động, hướng tới công đoàn viên. Hội Nhạc sĩ Việt Nam hoan nghênh nhiệt liệt với chủ chương này và sẵn sàng phối hợp để cuộc thi thu được kết quả tốt đẹp.
Tôi tin rằng Cuộc thi này với sự nhiệt tình hưởng ứng của các nhạc sĩ, các ca sĩ cả nước rất lớn, việc cổ động phòng chống Covid còn có đề tài nữa là tâm tư nguyện vọng của những người hiện nay trên tuyến đầu và yêu cầu về mặt tinh thần họ muốn gì, những người nuôi con nhỏ, mất công ăn việc làm, những người phải về quê, tâm tư nguyện vọng của những người lao động… để chúng ta hướng vào đó, sẽ trở thành những bài hát tâm tình, những bài hát san sẻ yêu thương và chính vì thế đề tài mở rộng và thể loại âm nhạc sẽ phong phú và đa dạng hơn.
Hy vọng trong lần hợp tác này giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong điều kiện hiện nay rất khó khăn nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đoàn kết và sát cánh bên nhau, thì sẽ tập hợp được rất nhiều các ca khúc của các nhạc sĩ gửi tham dự. Ban tổ chức sẽ làm việc tích cực, công tâm, để chọn được những tác phẩm tốt nhất, xứng đáng nhất để kịp thời dàn dựng phổ biến. Cần có sự kết hợp với các cơ quan truyền thông như Đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam và hệ thống phát thanh truyền hình trong cả nươc cùng chung tay sẽ lan tỏa được các tác phẩm trong toàn xã hội.
Nhạc sĩ Cát Vận (Hà Nội) – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Trước đây, trong giai đoạn kháng chiến cứu nước có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, giờ đây trong cao trào phòng chống dịch Covid chúng ta có “Tiếng hát át Covid”. Điều đó, chứng tỏ Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Bên cạnh những hoạt động có tính lan tỏa này, nhiều bài hát của các Hội viên vang lên khắp mọi miền đất nước được các nghệ sĩ vượt qua khó khăn để giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang website của Hội.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê (Hà Nội) – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Khi nhận được Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam về cuộc vận động sáng tác chống Covid-19 bằng tác phẩm âm nhạc, tôi đã tập trung sáng tác chỉ trong một ngày ca khúc “Cùng nhau vượt qua mùa đại dịch”. Nhận thức được rằng dịch đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có lẽ trong chúng ta chưa lúc nào hết suy nghĩ và hành động cùng nhau đoàn kết chống dịch một cách triệt để nhất, không ai đứng ngoài dòng chảy ấy “hãy ở nhà vì chúng ta”, “ai ở đâu, ở yên đấy”… bảo vệ tính mạng, hy vọng ngày vui rất gần khống chế được dịch, chúng ta sẽ ôm nhau vỡ òa trên chiến thắng. Đó chính là tâm niệm của tôi khi sáng tác ca khúc này.
Nhạc sĩ Vũ Đức Tân (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) -Trưởng Ekip sản xuất âm nhạc:
Sự cố gắng của Ekip thực hiện là một nhân tố then chốt góp phần vào thành công chung của 2 chương trình. Vượt qua được những khó khăn về thời gian, vật chất, giãn cách xã hội, rất khó khăn trong việc lựa chọn ca sĩ, lựa chọn phòng thu… Ekip đã chủ động vận dụng nhiều mối quan hệ của cá nhân cũng như uy tín của Hội Nhạc sĩ Việt Nam để triển khai công việc và đã nhận được sự phối hợp nhịp nhàng từ các cơ quan liên quan.
Yếu tố quyết định để đảm bảo các tiến độ và chất lượng nghệ thuật ở đây đó là nhân tố con người. Sự chuyên nghiệp trong chuyên môn, sự phối hợp nhịp nhàng của Ekip, sự vận dụng sáng tạo trong tổ chức sản xuất đã giúp Ekip tiết kiệm được thời gian mà vẫn đảm bảo được chất lượng nghệ thuật cũng như những yêu cầu của ban lãnh đạo và của chương trình đề ra.
Các nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng như các tác giả không chuyên nghiệp trong khắp các đơn vị trong quân đội, từ những người đã nghỉ hưu tới những tác giả đang tại ngũ đã đóng góp nhiều tác phẩm âm nhạc với chủ đề Covid-19 với nhiều phong cách khác nhau đã tạo thêm những điểm nhấn trong công tác tuyên truyền phòng chống Covid-19, nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ khối Quân đội có chất lượng nghệ thuật cao được sử dụng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như: Vững một niềm tin (nhạc sĩ Đức Trịnh), Thiết Mộc Lan, Niềm tin (nhạc sĩ Xuân Thuỷ), Vòng tay đất mẹ, Em ở nhà chống dịch (nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn), Thiên thần áo trắng, Giấc mơ yêu thương (nhạc sĩ Đưc Tân), Cuộc hành quân thời bình (nhạc sĩ Mai Kiên), Người đi trong bão (nhạc sĩ An Hiếu) Em cùng bố chống Corona (nhạc sĩ Tuấn Anh), Việt Nam ý chí niềm tin (nhạc sĩ Quang Thái), Hãy ngăn chặn Covid (nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân)…. Các nhạc sĩ thế hệ trẻ trong Quân đội, với sức trẻ đã từng bước thể hiện được thế mạnh công nghệ cũng như những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật cho riêng mình để đóng góp vào thành quả chung trong bức tranh toàn cảnh về phòng chống dịch bệnh.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục (TP Hồ Chí Minh) – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: Nhân dân ta có truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… nhưng truyền thống đó càng thể hiện rất rõ trong thời gian vừa qua, khi tôi đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi đang gồng mình chống dịch, chứng kiến nhiều chuyến xe từ mọi miền đất nước chở các cán bộ, nhân viên y tế, anh em bộ đội, công an đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ cho đồng bào đồng chí ở trong Nam chống dịch, hình ảnh làm tôi liên tưởng đến những hình ảnh tốt đẹp thời kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều chuyến xe từ phía Bắc và mọi miền đất nước chi viện cho miền Nam để chống xâm lăng và tôi nghĩ rằng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam có thể nói đó là yếu tố quyết định để chúng ta chống dịch thắng lợi.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) – Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: “Chống dịch như chống giặc”, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi thi đua đặc biệt của Đảng và Chính phủ, đồng thời để tham gia Ngày Âm nhạc Việt Nam 2021, trong bài hát có đoạn: không ra đường là yêu nước/ Ở nhà là thương dân/ Thương người chiến sĩ giữ yên bỡ cõi/ Thương những người chăm lo sức khỏe nhân dân/ Thương người chiến sĩ giữ yên đường phố/ Thương những người lo sự sống mỗi ngày… Đó là nội dung bài hát tôi muốn gửi tới các bạn!
Nhạc sĩ Lê Tự Minh (Thành phố Hồ Chí Minh): Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tâm bão của đại dịch, tuy nhiên người dân thành phố vốn kiên cường bất khuất. Thật là xúc động khi mà cả nước đang dồn sức cho thành phố mang tên Bác và làm chúng ta liên tưởng đến cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, khi mà cả nước dồn sức người sức của để giải phóng Sài Gòn. Tôi viết bài hát này để động viên mọi người Việt Nam giữ vững niềm tin để vượt qua khó khăn, trong những thời khắc gian nan để rồi đi đến chiến thắng. Mỗi khi đất nước lâm nguy hay có những sự kiện trong đại, chúng ta hãy đặt bàn tay lên trái tim mình cảm nhận hai tiếng “Việt Nam” thiêng liêng và đó chính là thời khắc này.
Nhạc sĩ Thế Long (Cần Thơ): Đối với tôi, thành phố Hồ Chí Minh rất đặc biệt, đó là nơi tôi sinh ra và có quãng thời gian gắn bó trong những năm tháng theo học âm nhạc tại đây. Nơi đây cũng có rất nhiều người thân, bạn bè, những nhạc sĩ đồng nghiệp. Trong những ngày tháng 7 vừa qua khi thành phố Hồ Chí Minh phải hứng chịu đợt dịch bùng phát dữ dội, những hình ảnh khúc phố vắng người, dây giăng khắp nơi. Một cảm giác đau xót và cảm xúc dâng trào nghẹn ngào và tôi đã gửi vào tác phẩm “Thương lắm Sài Gòn ơi!”.
-PV: Xin cảm ơn các nhạc sĩ.
* Một số hình ảnh các ca sĩ biểu diễn các tác phẩm chọn lọc:
Thanh Nhã
Link nội dung: https://giaitri.thoibaovhnt.com.vn/cung-van-nghe-si-ca-nuoc-gop-tieng-hat-san-se-yeu-thuong-576055.html